Nếu phụ nữ xưa phần lớn chỉ lo chuyện bếp núc thì chị em thời nay còn vươn lên khẳng định vị thế trong xã hội.
Phụ nữ xưa gắn liền với căn bếp
Hơn 50 năm nghiên cứu nền sử học nước nhà, giáo sư Lê Văn Lan cho biết, nấu nướng từ xưa đã là công việc đi đôi với người phụ nữ. Trong lúc khảo cổ, ông từng tìm thấy bếp than của người nguyên thủy xuất hiện cách đây một vạn năm. Về mặt tổ chức xã hội, từ trước công nguyên, phụ nữ giữ vai trò tộc trưởng và quản lý bếp ăn (3 hòn đá chụm lại) cho cộng đồng. Bếp này mang ý nghĩa văn hóa, đặc tính tiền sử của người Việt do phụ nữ quản lý, khác với văn hóa của các quốc gia khác. Đây là ví dụ cụ thể cho thấy phụ nữ từ xưa đã làm chủ xã hội cùng lúc với việc chế biến, phân phối thức ăn.
Khoảng 2.000 – 3.000 năm trước, chế độ xã hội có chuyển đổi. Đàn ông đảm nhận vai trò chính trị, xã hội nhưng vẫn bảo lưu truyền thống phụ nữ phải chăm lo chuyện bếp núc. Khi Nho giáo bắt đầu gia nhập, “tam tòng, tứ đức”, “công, dung, ngôn, hạnh” là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá nữ giới. Trong đó, chữ “công” được đặt lên hàng đầu, tức người xưa coi trọng sự đảm đang, khéo léo, tề gia nội trợ của phụ nữ hơn cả.
Phụ nữ nay vượt qua giới hạn căn bếp, khẳng định vị thế trong xã hội
Giáo sư Lê Văn Lan chia sẻ thêm, đầu thế kỷ 20, phụ nữ chủ yếu giữ lửa gia đình nhưng quan điểm có sự thay đổi về việc nam nữ bình quyền. Xã hội hiện đại bắt đầu phân công lại trong công việc, vai trò của phụ nữ cũng thay đổi so với trước kia. Họ đảm nhận thêm nhiều vị trí đáng kể trong xã hội và được nể trọng hơn.
Đến thế kỷ 21, vị thế của nữ giới càng được khẳng định. Chị em tự tin bước ra khỏi “bốn góc nhà, ba góc bếp” với việc nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, ghi lại những dấu ấn, thành tựu nổi bật trong đa dạng lĩnh vực.
Theo nghiên cứu về chủ đề “Phụ nữ trong kinh doanh” do tổ chức Tư vấn và Kế Toán Grant Thornton quốc tế công bố vào tháng 3/2019 , tỷ lệ nữ giới tham gia vào ban lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp hiện nay là 94%. Trong đó, Việt Nam đứng thứ hai toàn Châu Á với với tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao chiếm 36%, chỉ sau Philippines (37,46%) và cao hơn các quốc gia phát triển hàng đầu như Singapore (33,04%), Hàn Quốc (29,89%) lẫn Nhật bản (15,43%).
Phụ nữ hiện đại vượt qua giới hạn căn bếp, không ngại chứng minh thực lực, dám dấn thân và chinh phục những đỉnh cao trong công việc. Nhiều gương mặt nữ giới trở thành chính trị gia, nhà khoa học, chủ doanh nghiệp hay tham gia vào những công việc trước đây chỉ có đàn ông như phi công, kỹ sư… Tạp chí Forbes còn tôn vinh vai trò của nữ giới thành công ở nhiều lĩnh vực trong bảng xếp hạng 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Khảo sát “Việc nấu nướng của phụ nữ” vừa thực hiện vào tháng 11 trên VnExpress với hơn 2.000 người tham gia cho thấy 73% không đồng tình với quan điểm nấu nướng là chuyện của phụ nữ.
Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Theo giáo sư Lê Văn Lan, vai trò bếp trong gia đình hiện nay có sự thay đổi. Phụ nữ không còn là “người số một” trong chuyện nấu nướng mà đã san sẻ cùng người bạn đời và các thành viên khác. Tuy nhiên, bếp núc luôn là đặc quyền, thiên chức của chị em. Thực tế cho thấy, nhiều người phụ nữ thành đạt vẫn muốn được tự tay chăm sóc gia đình qua từng bữa ăn ngon.
Khi quản bếp, nếu phụ nữ toàn tâm toàn ý cũng là lúc họ tự hoàn thiện bản thân. Khéo léo gửi gắm tình yêu vào trong các món ăn giúp nâng cao giá trị của người phụ nữ. Cảm giác bước vào bếp, tự tay chăm chút cho từng món ăn, cũng giống như quản trị công việc ngoài xã hội, chị em vẫn luôn tự tin, bản lĩnh và sáng tạo không ngừng.
Nữ giới biết cách tận dụng những trợ thủ đắc lực để chế biến thực đơn đủ dinh dưỡng, không mất nhiều công sức, thời gian. Bằng cách đó, phụ nữ tự giải phóng bản thân khỏi áp lực “tề gia nội trợ”, tận hưởng cuộc sống trọn vẹn và đạt được nhiều thành công hơn.
“Người phụ nữ với sáng tạo và tài năng đã và đang phối hợp giá trị truyền thống và văn minh hiện đại để phát triển kỹ nghệ bếp núc. Nếu chỉ khư khư truyền thống thì rất chán chường. Nếu chỉ áp dụng công nghệ, kỹ thuật rất máy móc, không hấp dẫn và ngon lành”, giáo sư Lê Văn Lan nói.
Trước kia, nấu nướng được xem là trách nhiệm của phụ nữ và tiêu chuẩn để đánh giá nữ giới. Hiện nay, không quá đặt nặng vai trò bếp núc lên vai người phụ nữ, chị em được “giải phóng” về tư tưởng, thoải mái hơn trong chuyện nấu nướng.
Cùng với sự san sẻ của gia đình, phái đẹp tìm thấy niềm vui khi các thành viên cùng xoắn tay vào bếp, tạo ra bầu không khí vui vẻ, đầm ấm. Đó cũng là nguồn động lực để chị em chế biến nhiều món ngon, nêm gia vị yêu thương vào trong từng bữa ăn.
Theo Kim Uyên
Link nguồn: https://vnexpress .net/giao-su-su-hoc-le-van-lan-chia-se-chuyen-bep-nuc-xua-va-nay-4019902.html